Đơn vị chủ quản: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh

Chi hội Hồng thập tự Quảng Ninh (1961–2025): Hành trình nhân đạo bền bỉ suốt 65 năm

Facebook
Skype
Email
Print

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước bước vào thời kỳ mới với muôn vàn khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, tinh thần nhân đạo, truyền thống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc Việt Nam tiếp tục được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ. Một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đã đứng ra vận động thành lập tổ chức Hồng Thập tự Việt Nam – tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay – nhằm kịp thời góp phần chăm sóc sức khỏe, cứu trợ nhân dân và phục vụ công cuộc kháng chiến.

Khởi nguồn từ tinh thần nhân đạo cách mạng (1946–1961)

Ngày 23/11/1946, được xác định là mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời của tổ chức xã hội nhân đạo đầu tiên tại Việt Nam – Hội Hồng thập tự Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên. Từ đây, phong trào Hồng thập tự lan tỏa khắp mọi miền đất nước.

Ban Chấp hành Chi hội Hồng thập tự khu Hồng Quảng ngày mới thành lập năm 1961

Tại khu Hồng Quảng, với sự hướng dẫn của Trung ương Hội, một số cán bộ y tế tâm huyết đã chủ động tuyên truyền, vận động phát triển hội viên, chuẩn bị cho việc thành lập tổ chức Hội tại địa phương. Ngày 18/9/1961, được sự nhất trí của Trung ương Hội và sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Dân tộc thống nhất khu Hồng Quảng, Chi hội Hồng Thập Tự khu Hồng Quảng chính thức được thành lập. Buổi lễ thành lập được tổ chức tại thị xã Hòn Gai, với bác sĩ Hồ Văn Cung – Giám đốc Ty Y tế khu Hồng Quảng – giữ chức Chi hội trưởng.

Ngay từ khi thành lập, Hội hoạt động theo 7 nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế: Nhân đạo, vô tư, trung lập, độc lập, tự nguyện, thống nhất, toàn cầu. Dù chưa có bộ máy chuyên trách, hoạt động chủ yếu dựa vào ngành y tế khu Hồng Quảng, song Chi hội đã từng bước ổn định tổ chức, khẳng định vai trò trong công tác cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và tuyên truyền nhân đạo trong nhân dân.

Tháng 6/1962, Chi hội tổ chức Trại hội đầu tiên tại Bãi Cháy, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Quốc tế – sự kiện thể hiện tinh thần hội nhập quốc tế trong hoạt động nhân đạo từ rất sớm.

Ngày 30/10/1963, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh. Tổ chức Hội Hồng thập tự Hồng Quảng cũng được chuyển đổi thành Hội Hồng thập tự tỉnh Quảng Ninh, gồm 1 chi hội với 13 phân hội tại các địa phương, trường học và xí nghiệp. Đến năm 1964, toàn tỉnh đã có 2.100 hội viên, trong đó có 540 cán bộ y tế.

Năm 1965, Hội Hồng thập tự Quảng Ninh được đổi tên thành Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới với phạm vi và quy mô hoạt động ngày càng sâu rộng. Trong thời kỳ kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965–1968), mạng lưới y tế cứu thương của Hội đã phát huy vai trò nòng cốt trong cấp cứu thương vong, giảm thiểu thiệt hại do bom đạn. Với phương châm “3 tại chỗ” (người tại chỗ, phương tiện tại chỗ, thuốc tại chỗ), hàng ngàn hội viên đã dũng cảm vượt qua mưa bom bão đạn, thực hiện nhiệm vụ cứu người. Có thời điểm, trên 60% lực lượng cấp cứu tải thương là hội viên Chữ thập đỏ Quảng Ninh.

Ngày 18/9/1961 thành lập Hội Chữ thập đỏ khu Hồng Quảng

Nhiều địa chỉ gắn liền với tinh thần quả cảm, tận tâm của hội viên Chữ thập đỏ như: Bệnh viện hang số 6 (Hà Tu), các khu phố Hạ Long, Bạch Đằng, Phố Mới (TX Hòn Gai), Bệnh viện TX Cẩm Phả, Mỏ than Đèo Nai, Cọc Sáu, Nhà sàng Cửa Ông… đã trở thành những biểu tượng đẹp đẽ về lòng nhân ái và trách nhiệm cộng đồng. Qua 4 năm (1965–1968) chiến đấu ác liệt , đã có 1.621 đội cấp cứu với 16.544 người được tổ chức và duy trì hoạt động hiệu quả – minh chứng sống động cho sức mạnh nhân đạo, tinh thần xả thân vì cộng đồng của các hội viên Chữ thập đỏ Quảng Ninh.

Tiếp nối truyền thống nhân đạo – Tự hào hành trình phát triển của Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh

Từ sau năm 1968 đến năm 1975, trong bối cảnh cả nước bước vào giai đoạn cao điểm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh tiếp tục phát huy vai trò xung kích trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, hỗ trợ hậu phương, chi viện tiền tuyến. Các đội cấp cứu lưu động, tổ sơ cứu cộng đồng, các điểm sơ cứu tại trường học, xí nghiệp, mỏ than, khu dân cư được củng cố và nhân rộng.

Hội còn tổ chức nhiều đợt hiến máu nhân đạo, vận động quyên góp vật tư y tế, quần áo, lương thực để ủng hộ nhân dân miền Nam ruột thịt. Đây là thời kỳ ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc cả về tổ chức lẫn quy mô hoạt động, thể hiện rõ nét vai trò của Hội trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Hội viên Chữ thập đỏ cơ sở diễn tập 5 thao tác sơ cứu phục vụ chiến đấu và thiên tai

Sau ngày đất nước thống nhất (1975), Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh bước vào giai đoạn chuyển mình, đồng hành cùng địa phương trong công cuộc khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Trong điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng các tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở vẫn duy trì hiệu quả các hoạt động nhân đạo, cứu trợ thiên tai, phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, Hội chú trọng phát triển mạng lưới tình nguyện viên, cộng tác viên, tổ chức tập huấn kiến thức sơ cấp cứu, kỹ năng phòng chống thiên tai và truyền thông nâng cao nhận thức người dân về sức khỏe, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Đồng hành cùng công cuộc đổi mới và phát triển (1986–2000)

Bước sang thời kỳ đổi mới (từ năm 1986), Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh có những bước phát triển vững chắc, từng bước khẳng định vị thế là tổ chức xã hội nhân đạo chuyên nghiệp, là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trong công tác nhân đạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của ngành Y tế, các chương trình trọng tâm của Hội như: chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào cộng đồng, phòng ngừa ứng phó thảm họa, hiến máu tình nguyện, hỗ trợ sinh kế cho người yếu thế… đã tạo dấu ấn tích cực và lan tỏa rộng rãi trong xã hội.

Thừa uỷ quyền của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông Vũ Hồng Hải, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nhân đạo” cho bác sĩ Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế

Từ năm 2000 đến nay, Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả các phong trào như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Ngân hàng bò”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Trợ giúp nhân đạo theo địa chỉ”… Nhiều mô hình sáng tạo, nhân văn được nhân rộng, như: đội sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng, nhà Chữ thập đỏ, phiên chợ nhân đạo, ATM gạo mùa dịch…

Phong trào hiến máu tình nguyện phát triển mạnh, hàng năm tiếp nhận trên 10.000 đơn vị máu, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp cứu và điều trị. Các hoạt động ứng phó thiên tai, phòng chống dịch bệnh – đặc biệt trong đại dịch COVID-19 – tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt, cầu nối trong các hoạt động nhân đạo của Hội.

Tính đến năm 2025, Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh đã xây dựng được hệ thống tổ chức Hội vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở với trên 80.000 hội viên, hơn 10.000 tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ hoạt động tích cực, trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác nhân đạo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Từ Chi hội Hồng thập tự khu Hồng Quảng năm 1961 đến Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh hôm nay là cả một hành trình dài 65 năm hình thành, phát triển và phụng sự. Với phương châm “Ở đâu có người cần giúp đỡ – ở đó có Hội Chữ thập đỏ”, các thế hệ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Quảng Ninh đã và đang viết tiếp trang sử nhân đạo rạng ngời, góp phần xây dựng một xã hội nhân ái, nghĩa tình và bền vững.

Tiểu ban Tuyên truyền – CDC Quảng Ninh.

cùng chuyên mục

Năm 1933, khi khu mỏ Hòn Gai phát triển mạnh mẽ, với hơn 10.000 phu mỏ và công nhân, các điểm chăm sóc sức khỏe lúc ấy chỉ là các trạm xá đơn lẻ tại các mỏ lớn như Hà Lầm, Hà Tu, Hòn Gai hay Nhà máy than luyện Hòn Gai… Trước nhu cầu cấp thiết về chăm sóc sức khẻo và điều trị cho công nhân, người Pháp đã cho xây dựng một bệnh viện lớn trên đồi cao mang tên CH Georges Picot, trực thuộc Sở Than Pháp Bắc Kỳ.

Sau ngày giải phóng, khi Khu Hồng Quảng vừa mới thành lập, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Lương thực, thực phẩm thiếu thốn, nhiều mặt hàng thiết yếu phải tiếp tế từ các tỉnh khác. Công nhân ngành Than – lực lượng lao động chủ chốt – làm việc trong môi trường khắc nghiệt: ẩm ướt, tối tăm, bụi bẩn, khí độc, thiếu thốn phương tiện bảo hộ lao động, dẫn tới sức khỏe suy giảm nghiêm trọng. Họ mắc nhiều bệnh về da liễu, hô hấp mà không được chữa trị kịp thời.

Trong hành trình 60 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Sở Y tế Quảng Ninh luôn phát huy vai trò hạt nhân chính trị, là trung tâm đoàn kết, lãnh đạo toàn ngành vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, thử thách; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Qua mỗi kỳ Đại hội, Đảng bộ không chỉ lớn mạnh về tổ chức mà còn trưởng thành vượt bậc về tư duy lãnh đạo, năng lực hành động và để lại nhiều dấu ấn đổi mới có tính chiến lược.

Trong nhiệm kỳ 2020–2025, ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh đã có những chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những kết quả nổi bật ấy là minh chứng sinh động cho vai trò lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt của Đảng ủy Sở Y tế Quảng Ninh – hạt nhân chính trị giữ vai trò định hướng, dẫn dắt sự phát triển bền vững của toàn ngành trong giai đoạn đầy biến động và thách thức.

Nhiệm kỳ 2020–2025 của Đảng bộ Sở Y tế Quảng Ninh đã ghi dấu bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững của ngành Y tế. Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, yêu cầu đổi mới và thích ứng trong kỷ nguyên số, ngành Y tế Quảng Ninh không những giữ vững vai trò là lực lượng tuyến đầu mà còn khẳng định vị thế tiên phong, bứt phá trong khu vực.

Trong không khí thi đua sôi nổi chào mừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), hướng tới Đại hội Đảng bộ Sở Y tế Quảng Ninh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025–2030, được tổ chức là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trên hành trình chăm lo và bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn phát triển mới.

Ngày 16/4/2025, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh phối hợp với Sở Y tế Quảng Ninh tổ chức Cuộc vận động “Nối vòng tay nhân ái vì người khuyết tật và trẻ mồ côi Quảng Ninh”. Đây là hoạt động thường niên được Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh phối hợp duy trì thực hiện từ năm 2009 đến nay. Với mục tiêu giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, vượt qua mặc cảm bản thân, từng bước hòa nhập cộng đồng.

bản tin y tế

Các mẹ cần biết

Bác sỹ gia đình

liên kết website

liên kết facebook

thống kê truy cập